Truyền thông đa phương tiện: Đa dạng lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập hấp dẫn

        Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành Truyền thông đa phương tiện đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều bạn trẻ yêu thích sáng tạo, công nghệ và mong muốn phát triển bản thân trong môi trường hiện đại, năng động. Sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông số và các nền tảng đa phương tiện đã mang đến cho ngành Truyền thông đa phương tiện nhiều cơ hội nghề nghiệp và thu nhập trên thị trường lao động hiện nay.

        Cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng vị trí nghề nghiệp

       Theo khảo sát mới nhất, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Phụ nữ Việt Nam có việc làm đúng ngành đạt trên 80%. Nhiều năm gần đây, con số này luôn ổn định ở mức 80-85%. Sinh viên được các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, tổ chức đánh giá cao về khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc, kỹ năng chuyên môn vững vàng và tinh thần sáng tạo, chủ động.

        Các vị trí việc làm tiêu biểu dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện gồm:

       Thứ nhất là chuyên viên thiết kế đồ họa tại các công ty quảng cáo, studio thiết kế, doanh nghiệp truyền thông, phát triển nhận diện thương hiệu, ấn phẩm truyền thông, quảng cáo. Thực tế đây là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, và cần có ý tưởng truyền thông trong mỗi một sản phẩm thiết kế. Mỗi một bạn sinh viên khi học chuyên ngành mỹ thuật đa phương tiện đều say mê và có nhiều ý tưởng thiết kế đẹp cho doanh nghiệp để làm truyền thông.

      Thứ hai là biên tập viên, dựng phim, sản xuất video cho truyền hình, YouTube, mạng xã hội, các chiến dịch quảng cáo. Từ năm thứ nhất, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện đã được học các môn học Biên tập Audio, Kỹ thuật ghi hình, Dẫn chương trình… Tại mỗi tiết học, sinh viên được thực hành và tham gia các dự án môn học. Qua đó, sinh viên nhận biết được khả năng của bản thân, nhiều sinh viên đã tìm được các cơ hội Dẫn chương trình, MC các sự kiện, nhân viên edit video tại các đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

       Thứ ba là các công việc liên quan đến quản trị mạng xã hội, lập kế hoạch, triển khai các chiến dịch truyền thông, quản lý fanpage, kênh truyền thông số cho doanh nghiệp, tổ chức. Hiện nay các doanh nghiệp đều có các website, fanpage, Tiktok riêng để làm truyền thông, quảng bá hình ảnh. Công việc này được rất nhiều các bạn sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện lựa chọn sau khi ra trường.

       Sinh viên Nguyễn Thu Lan – ngành Truyền thông đa phương tiện, chia sẻ: “Chương trình học gắn với thực tiễn, nhiều cơ hội thực hành, thực tập giúp mình tự tin khi đi làm. Các doanh nghiệp đánh giá cao sinh viên Học viện về kỹ năng chuyên môn, khả năng thích nghi và tinh thần chủ động sáng tạo.”

Thu Lan (ngồi  thứ 2 từ phải sang) tham gia truyền thông sự kiện: Tinh hoa nhí Việt Nam

 Cơ quan chủ trì: Hiệp hội quảng cáo Việt Nam

       Thứ tư là phóng viên, biên tập viên, MC, tổ chức sản xuất chương trình tại các cơ quan báo chí, đài phát thanh – truyền hình, tòa soạn, kênh truyền thông đa phương tiện. Đây cũng là một lợi thế của các bạn sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện bởi các em đã được đào tạo kĩ lưỡng các kĩ năng này trong chương trình cử nhân.

      Đinh Loan – hiện đang làm truyền thông cho công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Việt Nam, cho biết: “Là sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, em nhận thấy chương trình đào tạo tại trường rất chú trọng cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Nhờ được tiếp cận sớm với các dự án thực tế, rèn luyện kỹ năng sản xuất nội dung, thiết kế đồ họa, dựng video ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em và nhiều bạn bè cảm thấy rất tự tin khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này rất rộng mở, đặc biệt khi các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông ngày càng đánh giá cao năng lực thực tiễn và khả năng sáng tạo của sinh viên tốt nghiệp từ Học viện”.

Sinh viên Đinh Thị Loan đang làm vị trí Truyền thông marketing Công ty CP ĐT và PT Hạ tầng Việt Nam

      Thứ năm là khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp truyền thông: Nhiều sinh viên tự phát triển studio, công ty truyền thông, sản xuất nội dung số, thiết kế, quảng cáo, kinh doanh sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Đây là một công việc rất phù hợp cho các bạn sinh viên học ngành Truyền thông đa phương tiện và có tố chất muốn làm chủ, lãnh đạo và vận dụng các kiến thức đã học để hỗ trợ các sự kiện của các công ty, doanh nghiệp hay tổ chức chính trị xã hội của Nhà nước.

      Thu nhập cạnh tranh, tăng trưởng theo năng lực

      Mức lương khởi điểm của sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện dao động từ 8- 12 triệu đồng/tháng đối với sinh viên mới ra trường. Người có kinh nghiệm 2- 3 năm có thể đạt 20- 30 triệu đồng/tháng. Đối với các vị trí quản lý, trưởng nhóm hoặc các sinh viên làm việc với đối tác quốc tế, mức thu nhập có thể lên tới 20- 30 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn, tùy năng lực và quy mô dự án. Đặc biệt, sinh viên có kỹ năng ngoại ngữ, thành thạo công nghệ, sở hữu profile ấn tượng, có thể làm việc từ xa cho các công ty nước ngoài, nhận dự án toàn cầu với mức thu nhập hàng ngàn USD mỗi tháng.

        Có thể khẳng định, ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Phụ nữ Việt Nam là lựa chọn lý tưởng cho những bạn trẻ yêu thích sáng tạo, công nghệ, mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực truyền thông hiện đại với cơ hội việc làm đa dạng, thu nhập hấp dẫn và tiềm năng phát triển không giới hạn.

                                Khuất Thảo – Giảng viên Khoa TTĐPT