Hội đồng thẩm định được tổ chức theo quy định hiện hành của Bộ giáo dục và Đào tạo do TS Hồ Văn Hương, Cục Quản lý Mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu chính phủ làm Chủ tịch hội đồng; TS.Vũ Việt Thắng, Đại học Công Nghiệp Hà Nội, phản biện 1; PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Đại học Thủy Lợi, phản biện 2 và thành viên, thư ký là PGS.TS. Ngô Quốc Tạo, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ThS. Vũ Văn Quang, Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Thế kỷ.
PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện đã khẳng định mục tiêu mở ngành CNTT là một trong những mục tiêu chiến lược của Học viện trong giai đoạn 2021 – 2025 với kỳ vọng vừa góp phần đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực CNTT nói chung, vừa góp phần hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ bất bình đẳng giới trong nền kinh tế số, loại bỏ khoảng cách về giới trong lĩnh vực số, khuyến khích sự phát triển của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, CNTT chính là công cụ đặc biệt quan trọng để ngành thông tin và truyền thông thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, từ đó lan tỏa ra các ngành, nghề khác trên cả nước.
Đại diện Ban soạn thảo hồ sơ mở ngành CNTT đào tạo trình độ cử nhân, TS. Đỗ Ngoc Điệp đã trình bày Đề án mở ngành CNTT trình độ đại học. Chương trình đào tạo ngành CNTT tại Học viện Phụ nữ Việt Nam được xây dựng theo định hướng ứng dụng. Ngoài khối lượng kiến thức chung, kiến thức kỹ năng, sinh viên sẽ lựa chọn 1 trong 2 ngành chuyên sâu và Công nghệ phần mềm và Trí tuệ nhân tạo (gồm đảm bảo chất lượng, kiểm thử phần mềm; lập trình hệ thống; khai thác phần mềm ứng dụng; trí tuệ nhân tạo) và Quản trị hệ thống mạng (gồm lập trình mạng, quản trị mạng, đánh giá hiệu năng mạng; an toàn mạng; thực tập chuyên ngành mạng). Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng như trở thành các Kỹ sư phát triển phần mềm/hệ thống, lập trình viên, Cố vấn IT, Quản lý dự án CNTT…
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá khách quan, khoa học những thành công trong việc xây dựng Chương trình đào tạo; khẳng định Đề án của Học viện đảm bảo các yêu cầu về căn cứ xây dựng, mục tiêu, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo, đề cương chi tiết của học phần/môn học, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của ngành (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện). Đồng thời, Hội đồng thẩm định cũng nêu những góp ý, gợi ý với ban soạn thảo những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện chương trình đào tạo trước khi ký Quyết định mở ngành và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành CNTT của Học viện Phụ nữ Việt Nam được Hội đồng thẩm định thông qua với sự nhất trí cao của 5 thành viên (100%) tán thành thông qua để trường tiếp tục hoàn chỉnh và báo cáo Bộ GD&ĐT.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, Học viện sẽ tiếp thu, hoàn thiện Đề án, Chương trình đào tạo và tiến hành các công việc tiếp theo để kịp tuyển sinh năm học 2021 – 2022.