Truyền thông đang là một trong những ngành nghề hot nhất hiện nay và là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhắc đến những người làm truyền thông, chúng ta thường nghĩ đến những người có tính cách hướng ngoại, năng động, nhiều năng lượng và giỏi giao tiếp. Vậy để trở thành một người làm truyền thông chuyên nghiệp thì cần phải hội tụ những kỹ năng gì? Trên cương vị là một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông lâu năm, bà Nguyễn Sinh – Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông và công nghệ Vist đã có những chia sẻ về vấn đề này.
PV: Theo bà, để trở thành một người làm truyền thông chuyên nghiệp thì cần những kỹ năng gì?
Bà Nguyễn Sinh – CEO Vist Media: Theo tôi, để trở thành một người làm truyền thông chuyên nghiệp, không chỉ cần sự sáng tạo, mà còn cần khả năng phân tích, tư duy chiến lược và kỹ năng quản trị nội dung. Cụ thể đó là Kỹ năng phân tích và nắm bắt xu hướng. Người làm truyền thông phải luôn nhạy bén với thời cuộc, hiểu tâm lý công chúng, đọc được những thay đổi trong hành vi và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, kỹ năng viết và kể chuyện (storytelling) đóng vai trò là nền tảng cơ bản nhất, dù có viết bài PR, nội dung mạng xã hội hay kịch bản video, thì khả năng kể chuyện hấp dẫn, mạch lạc chính là “vũ khí” để chạm đến cảm xúc của công chúng. Ngoài ra, kỹ năng xây dựng chiến lược và lập kế hoạch cũng rất quan trong, bởi truyền thông không chỉ là hoạt động đơn lẻ, mà cần nằm trong chiến lược tổng thể.
Bà Nguyễn Sinh còn cho biết thêm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và quản lý đối tác cũng cũng là những kỹ năng không thể thiếu đối với người làm truyền thông. Vì truyền thông luôn là công việc của sự phối hợp với khách hàng, với đội sản xuất, với báo chí, KOLs. Khi đảm nhận vị trí này, người làm truyền thông tiếp xúc với rất nhiều người, họ đóng vai trò làm cầu nối của các bộ phận trong doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với đối tác – khách hàng. Do đó, giao tiếp trở thành một kỹ năng quan trọng giúp nhân viên cư xử một cách khéo léo trong mọi tình huống, đồng thời duy trì các mối quan hệ, hỗ trợ công việc được thực hiện tốt và hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Sinh – CEO Vist Media
Bên cạnh đó, để công việc đạt hiệu quả cao, người làm truyền thông còn phải biết phối hợp với ekip, các phòng ban khác trong công ty như phòng ban sáng tạo, nội dung, kỹ thuật, marketing để tạo ra sản phẩm chất lượng nhất.
Hiểu biết về công nghệ và nền tảng số là một kỹ năng không thể thiếu của người làm truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa như hiện nay. Do vậy, người làm truyền thông phải biết sử dụng công cụ số, hiểu thuật toán các nền tảng, biết phân tích dữ liệu và phải biết cách triển khai nội dung phù hợp với từng kênh như báo chí, mạng xã hội, truyền hình, Podcast, TikTok, Threads.
Một người làm nghề giỏi là người có thể bình tĩnh khi “bão truyền thông” ập đến. Xử lý linh hoạt, khéo léo để hạn chế được tối đa những ảnh hưởng và tổn hại cho thương hiệu, cho đối tác. Đó chính là kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông.
CEO Nguyễn Sinh với ca sỹ Thanh Thảo
PV: Theo bà kỹ năng nào là quan trọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay?
Bà Nguyễn Sinh – CEO Vist Media: Nếu phải chọn một kỹ năng chuyên môn cốt lõi, tôi cho rằng khả năng hiểu biết về công nghệ và nền tảng số là yếu tố then chốt. Không chỉ là việc viết hay, dựng video tốt, mà là khả năng hiểu sâu hành vi người dùng trên môi trường số, lựa chọn đúng kênh, đúng định dạng, đúng thời điểm và đúng cảm xúc người đọc – để nội dung không chỉ được xem mà còn được chia sẻ, lan tỏa. Biết sử dụng công cụ số (AI, Big data, công cụ lập lịch, phân tích hiệu quả truyền thông, phần mềm thiết kế, dựng video, SEO) sẽ giúp người làm truyền thông làm việc hiệu quả hơn và tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Vist Media tổ chức event tại Đà Lạt
PV: Vậy bà có lời khuyên nào cho những bạn sinh viên đang theo học ngành truyền thông và những người làm truyền thông ?
Bà Nguyễn Sinh – CEO Vist Media: Đầu tiên, các bạn đừng nghĩ truyền thông là nghề hào nhoáng. Hãy xác định đây là một hành trình dài của sự kiên nhẫn, học hỏi và làm việc thầm lặng. Điều thứ 2, hãy làm nhiều, sai nhiều và học nhiều khi còn trẻ. Đừng chờ có “job đúng ngành” mới bắt đầu, mà hãy tận dụng mọi cơ hội từ làm freelance, thực tập, viết blog cá nhân, xây kênh TikTok nhỏ… Những trải nghiệm đó quý giá hơn bất cứ lý thuyết nào trên giảng đường. Thứ ba, luôn giữ đạo đức nghề nghiệp và tính nhân văn. Một người làm truyền thông có thể tạo ra xu hướng, thay đổi hành vi xã hội, vì vậy, bạn càng cần ý thức trách nhiệm với nội dung mình làm ra.
Và cuối cùng, hãy giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo và một trái tim ấm áp. Truyền thông là ngành dành cho người biết quan sát cuộc sống, thấu cảm con người, và không ngừng tìm kiếm những giá trị tốt đẹp để lan tỏa. Hãy chăm chỉ, không ngừng học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn, update thường xuyên công nghệ, sự đổi mới liên tục để làm nghề tốt nhất.
Pv: Trân trọng cảm ơn bà!
Ths. Nguyễn Thị Lệ Quyên – Giảng viên khoa TTĐPT