Liên quan đến dự thảo về quy định nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học do Bộ GD&ĐT đưa ra mới đây, trong đó có nội dung bỏ ghi xếp loại bằng tốt nghiệp đại học đang gây xôn xao dư luận.
Nhiều người cho rằng nếu không ghi xếp loại trên bằng là đang “cào bằng” chất lượng giữa người học, gây khó khăn cho người có lực học tốt khi cạnh tranh tìm kiếm việc làm so với những người kém hơn.
Trả lời về vấn đề này, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết đã nghiên cứu và tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia và đây cũng là xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, việc xếp loại sẽ được thể hiện trên phụ lục văn bằng thay vì bằng tốt nghiệp.
Theo Cục này, Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”.
Như vậy, Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.
Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành xây dựng song song hai văn bản.
Thứ nhất là “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.” Thông tư đầu tiên này đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành.
Thứ hai là “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.”
Trong đó, thông tư đầu tiên quy định nội dung chính của phụ lục văn bằng giáo dục đại học.
Cụ thể, trên phụ lục văn bằng sẽ ghi cụ thể thông tin về loại hình đào tạo,kết quả học tập, gồm: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.
Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, phụ lục văn bằng cần ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
Các thông tin quy định ghi trên phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… của người học, giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.
Trong khi đó, dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác ghi trên phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.