Tham dự sự kiện có đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPNVN; Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam ;Đồng chí Ngô Thị Minh  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện cùng các lãnh đạo Sở, Ban ngành, TƯ Hội LHPNVN cùng đông đảo cán bộ, sinh viên Học viện qua các thời kỳ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện khẳng định ngày 8/3/1960, Ban Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã ra Quyết nghị về việc thành lập Trường Phụ vận trung ương, sau này đổi tên thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, tiền thân của Học viện Phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay.

Chỉ sau 3 tháng kể từ ngày thành lập, với 14 cán bộ, giảng viên và phải mượn địa điểm tổ chức lớp học, khóa học đầu tiên đã được khai giảng với 126 học viên. Nhà trường cũng bắt tay ngay vào xây dựng cơ sở vật chất. Đến đầu năm 1962, công tác xây dựng trường đã cơ bản hoàn tất tại địa chỉ số 68 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội). Trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển, Học viện ngày càng lớn mạnh và khẳng định uy tín trong xã hội. Đặc biệt, giai đoạn từ 2000-2012 là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn về tổ chức bộ máy của 2 nhà trường. Với sự chuẩn bị các điều kiện thành lập Học viện trong hơn 10 năm, ngày 18/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.

Trong 8 năm kể từ khi được thành lập, Học viện đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.

Học viện là đơn vị được TW Hội giao đầu mối chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Việt Nam, giai đoạn 2013-2017 và 2019 – 2025, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc. Quy mô bồi dưỡng hàng năm luôn đạt được mức cao với hơn 2000 lượt người, có năm hơn 4000 lượt người với các hình thức kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến.

Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện cũng có sự bứt phá mạnh mẽ, quy mô nghiên cứu, sản phẩm khoa học tăng lên nhiều lần, chất lượng có sự cải thiện. Tạp chí khoa học của Học viện được thành lập và đi vào hoạt động, ngày càng khẳng định được uy tín, được hội đồng giáo sư nhà nước một số ngành công nhận.

Bắt đầu với 2 ngành học đã có kinh nghiệm đào tạo trung cấp và bồi dưỡng từ trước là Công tác xã hội và Quản trị kinh doanh, đến nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có 9 ngành đào tạo hệ đại học và 2 ngành thạc sỹ. Tổng số sinh viên, học viên được tuyển sinh cho cả 8 khóa học là gần 5.000 người. Trong bối cảnh cạnh tranh về giáo dục đại học ngày càng gay gắt, Học viện Phụ nữ Việt Nam vẫn tuyển sinh thành công hàng năm và tổ chức đào tạo nghiêm túc, với quy trình chặt chẽ, ngày càng chuyên nghiệp. Chính vì vậy, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã được công nhận chính thức đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định của nhà nước vào ngày 22/9/2020.

Cũng trong dịp này, Học viện chào đón 900 tân sinh viên 9 ngành đào tạo cử nhân khóa 8

Phát biểu chỉ đạo và chúc mừng Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đồng chí Hà Thị Nga thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chúc mừng những đóng góp, thành tựu của Học viện trong chặng đường 8 năm phát triển trên nền tảng hơn 50 năm truyền thống. Đồng chí đã khẳng định, đến hôm nay, từ một trường đào tạo cán bộ đã trở thành một đơn vị giáo dục đại học công lập ngày càng có uy tín. Từ mái trường này, biết bao thế hệ học viên đã được rèn giũa để trở thành những cán bộ, những lãnh đạo Hội các cấp, nhiều người đã trở thành lãnh đạo nữ ở cả Trung ương và địa phương trong cả nước. Đồng chí mong muốn Học viện tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong công tác bồi dưỡng, đào tạo và nghiên cứu khoa học, đề nghị cần đổi mới hình thức và nội dung để bồi dưỡng cán bộ để cán bộ Hội các cấp không chỉ có kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng và có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo, được rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, bởi đất nước ta đang trong hành trình hội nhập sâu sắc, mạnh mẽ.

Trong công tác đào tạo, Học viện cần đầu tư vào những chuyên ngành đặc thù để khẳng định được thương hiệu, thế mạnh vốn có của một cơ sở đào tạo thuộc tổ chức Hội – một tổ chức cam kết tiên phong vì bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ. Học viện cần chú trọng năng lực làm việc cho sinh viên theo cách tiếp cận chung và đặc thù của Hội, hỗ trợ để sinh viên sau khi ra trường, đi làm có khả năng lồng ghép giới trong lĩnh vực công tác của mình và hướng dẫn, hỗ trợ được cho đồng nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, nhất là về đảm bảo bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Chủ tịch Hà Thị Nga cũng mong muốn Học viện tiếp tục làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là tham mưu, đề xuất với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với Nhà nước các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em gái.

Gửi lời chúc mừng tới gần 900 tân sinh viên của Học viện, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng mong các em sinh viên có kế hoạch học tập tốt, sinh hoạt an toàn, nhất là đối với sinh viên nữ sẽ tiếp tục góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống, hình ảnh và phẩm chất tự tin, tự trọng của phụ nữ Việt Nam, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên để làm chủ tương lai, làm chủ cuộc sống của mình.

Thừa ủy quyền, Đồng chí Hà Thị Nga trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2019 cho Học viện Phụ nữ Việt Nam

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã chúc mừng tập thể thầy – trò Học viện; ghi nhận những thành tựu mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua, và khẳng định Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt chức năng đào tạo của mình. Đồng chí cũng đề nghị Học viện tiếp tục tìm nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng GD-ĐT đại học, sau đại học, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, để có nhiều cơ hội việc làm tốt. Qua đó, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Ngoài ra, Học viện cần đầu tư, phát triển mạnh hơn nữa khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng Tạp chí khoa học; quan tâm kết nối các tổ chức doanh nghiệp để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học (NCKH) theo đơn đặt hàng, hợp tác giữa đôi bên.

Thứ trưởng mong muốn, Học viện không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và NCKH, nhằm phát huy tư duy sáng tạo của người học. Tạo cho người học hứng thú đam mê trong học tập và NCKH.

Học viện cần quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy theo hướng hiện đại, bảo đảm cho người học có đủ học liệu để nghiên cứu sáng tạo. Đặc biệt, cần tiếp tục duy trì và phát triển đào tạo ngành nghề đặc thù, trong đó có ngành nghề về giới, công tác xã hội…; qua đó góp phần vào xây dựng xã hội bình đẳng hơn.

Đồng chí Trần Thị Tám, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương đã xúc động chia sẻ về quãng thời gian gắn bó và vượt qua những khó khăn trong suốt thời kỳ hình thành và phát triển Trường. Đồng chí cũng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và chúc thầy và trò học viện gìn giữ, phát huy những thành quả đã đạt được sau 60 năm dày công vun đắp của biết bao thế hệ.

Trong không khí phấn khởi, vui mừng của lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống và khai giảng năm học mới 2020 – 2021, học viện Phụ nữ Việt Nam đã trao học bổng cho các tân sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và các sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Ban Giám đốc Học viện cũng trao bằng cử nhân cho 88 tân cử nhân của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống và khai giảng năm học 2020 – 2021 được tổ chức trang trọng, xứng tầm với lịch sử vẻ vang của Học viện Phụ nữ Việt Nam, tiền thân là trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Sự kiện đặc biệt này đánh dấu mốc son trong trang sử hình thành và phát triển của Học viện đồng thời góp phần tạo nên một hành trang đầy đủ, một bản lĩnh kiên cường để Học viện vững bước tiến vào tương lai.