Có thể nói “câu view” là một cụm từ khá quen thuộc với công chúng, chúng ta đã nhiều lần nghe, sử dụng khi nói và viết – đến mức gần như không còn ai tự hỏi “câu view” nghĩa là gì. Thế mà tác giả Đỗ Đình Tấn lại xoay quanh câu chuyện về “câu view”, để rồi độc giả bỗng nhận ra rằng, vậy ra mình vẫn chưa biết gì nhiều, và rằng sự thật là chúng ta – những con người sống và hoà nhịp trong thời đại công nghệ số đang vô thức tham dự vào nền “kinh tế chú ý” mà không mảy may nghi ngờ hay tìm cách chống lại.
Trước khi bước vào nội dung, ngay trang bìa lót của cuốn sách, độc giả có thể thấy đôi dòng giới thiệu về tác giả Đỗ Đình Tấn.
Quãng thời gian từ năm 1986 đến 2013, tác giả Đỗ Đình Tấn (Khắc Thành) làm việc tại báo Tuổi trẻ với nhiều vị trí công việc. Bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như: “Một nền báo chí phẳng” (2014), “Báo chí và mạng xã hội” (2017), “Truyền thông và kinh doanh” (2019), “Người kể chuyện trên báo” (2023) và là dịch giả của một số cuốn sách khác. Bề dày kinh nghiệm làm việc và tác phẩm cho thấy tác giả Đỗ Đình Tấn là một nhà báo, tác gia giàu kinh nghiệm thực tế lẫn sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực báo chí, truyền thông. Những thông tin sơ bộ đó tựa như lời bảo chứng, khiến cho độc giả càng thêm kỳ vọng với những gì tác giả sẽ đưa ra trong cuốn sách “Câu view” và Kinh tế chú ý. Vậy tác giả đã chia sẻ những gì?
Từ trang bìa lót, chưa vội đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách, mời bạn thử mở những trang cuối cùng, tìm kiếm phần Mục lục để hình dung những gì mình có thể nhận được từ cuốn sách. Trong ấn phẩm chỉ dày 284 trang nhỏ gọn này, tác giả Đỗ Đình Tấn đã đề cập tới 7 nội dung, trong đó Những nhà buôn chú ý; Mô hình thị trường sản phẩm kép; Kinh tế chú ý; Mua bán sự chú ý, cạnh tranh và lợi nhuận sẽ cung cấp cho người đọc những chi tiết của kinh tế chú ý, đóng vai trò như phần “nền”, làm cơ sở cho việc nhìn nhận câu chuyện đương đại của Ai đã “giết” Upworthy? Mồi nhử chuột? Facebook? để rồi sau đó, dẫn dắt người đọc tới Những tác hại của mạng xã hội và Cùng hành động cho lợi ích tốt nhất của con người là những dòng cuối cho sự suy tưởng.
Nội dung cốt lõi của cuốn sách “Câu view” và Kinh tế chú ý xoay quanh việc tác giả chỉ ra sự chú ý của con người là một dạng tài nguyên hữu hạn. Cũng giống như thời gian 1 ngày chỉ có 24 tiếng, con người cũng chỉ có thể dành sự chú tâm hữu hạn vào một vài việc, ghi nhớ được vài mẩu nhỏ trong “biển” thông tin bủa vây xung quanh. Chính vì thế, sự chú ý của chúng ta trở nên quý giá với nhiều “nhà buôn chú ý” – những người tìm mọi cách để níu giữ ánh mắt ta, chuyển sự thờ ơ thành hứng thú, biến công chúng trở thành khách hàng sẵn sàng chi tiền. Giữa lúc đó, các trang mạng xã hội ra đời như những “món quà” miễn phí, gói ghém bóng bẩy và đầy bất ngờ đối với công chúng.
Hiện tại nhiều công ty công nghệ đang được định giá hàng tỉ hay hàng ngàn tỉ USD. Nguyên nhân để các công ty công nghệ có mức định giá cao ngất ngưởng đó chủ yếu xuất phát từ việc họ sở hữu những trang mạng xã hội có số lượng người dùng đông đảo nhất trên thế giới: đơn cử như công ty Alphabet sở hữu Google, Meta sở hữu Facebook, Instagram, WhatsApp… Họ không bán phần mềm mà bán ảnh hưởng. Bằng việc đa dạng hoá những tiện ích, “gây nghiện”, sự tương tác và kết nối, “mỗi ứng dụng điện tử (app) đều bị cuốn vào cuộc đua để giành giật sự chú ý của bạn, nó không chỉ cạnh tranh với những ứng dụng khác mà còn với bạn bè của bạn, gia đình của bạn, thú vui của bạn, thậm chí cả giấc ngủ của bạn nữa”. Cùng lúc đó, họ thu thập những dữ liệu về chúng ta, tất cả mọi thứ mà ta tưởng như không có giá trị hoặc không thể đo đếm được và bán cho những “nhà buôn chú ý”.
Đó là những sự thật mà tác giả Đỗ Đình Tấn đã chỉ ra trong cuốn sách, tuy nhiên, những điều này thật ra không còn là bí mật bởi rất nhiều người trong chúng ta biết rõ việc thu thập hay lộ lọt thông tin cá nhân. Bạn đọc cũng có thể thấy đâu đó những dữ kiện, những thông tin tương tự. Tuy nhiên, tác giả Đỗ Đình Tấn đã cho người đọc một cái nhìn tổng thể hơn, sâu sắc hơn và có lẽ là một cách tiếp cận khá lạ về một mô hình kinh tế còn lạ lẫm với nhiều người: kinh tế chú ý. Đến đây, hẳn nhiều người sẽ tự hỏi: Kinh tế chú ý là gì? Vì sao một nền kinh tế lại có thể vận hành chỉ bằng nguồn tài nguyên phi vật chất là sự chú ý của con người? Để trả lời rốt ráo, có lẽ xin mời các bạn đến với từng trang của cuốn sách, để tự trả lời câu hỏi đó cho chính mình.
Ngoài ra, những điều tác giả đề cập tới sẽ khiến chúng ta đặt thêm vô số câu hỏi khác và những nỗi băn khoăn khác, ví dụ như tại sao các dịch vụ miễn phí trên mạng xã hội không phải là miễn phí thật sự và chúng ta phải trả giá như thế nào khi sử dụng những dịch vụ này. Và câu hỏi quan trọng nhất và có lẽ là cốt yếu nhất của cuốn sách gợi lên cho chúng ta, đó là: “vì sự chú ý của bạn đã trở thành hàng hoá, thì liệu những quyết định bạn đưa ra có thực sự là của bạn không? Bao nhiêu phần trăm cuộc sống của bạn được thúc đẩy bởi những ý tưởng và những thôi thúc được nguỵ trang để bạn cảm thấy chúng đích thực là của bạn? Liệu chúng ta có thể tách khỏi thị trường chú ý đủ thường xuyên để có thể chắc chắn rằng chúng ta đang sống cuộc sống mà chúng ta có thể gọi là cuộc sống của chính mình?”.
Để kết lại, người viết xin được trích dẫn một câu nổi bật ở ngay trang bìa của cuốn sách: “Cái mà bạn trả tiền thì đó là sản phẩm. Cái mà bạn không phải trả tiền thì chính bạn là sản phẩm để bán”, có lẽ đó cũng là thông điệp chính mà tác giả Đỗ Đình Tấn muốn truyền đạt đến mỗi người đọc. Cuốn sách không chỉ cung cấp thông tin mà còn là sự cảnh tỉnh và gợi ý cách để điều chỉnh hành vi trên mạng xã hội sao cho phù hợp với nhu cầu, giá trị cơ bản của con người,đặc biệt với thế hệ trẻ – thế hệ sinh ra và lớn lên cùng công nghệ. Mặt khác, đối với những người làm việc trong ngành báo chí – truyền thông, cuốn sách “Câu view” và Kinh tế chú ý còn là một nguồn tham khảo về việc xem xét truyền thông xã hội một cách tỉnh táo, có chọn lọc và xem xét các xu hướng, trào lưu, dư luận trên mạng xã hội như một nguồn tham khảo để nhận định những nhu cầu của công chúng trong việc xây dựng các sản phẩm truyền thông đúng hướng.