Các nhóm sinh viên đạt giải và giáo viên hướng dẫn đề tài

Trong số các đề tài nổi bật, đề tài Tiếp nhận văn hóa truyền thống của giới trẻ qua chương trình truyền hình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai’” của nhóm sinh viên Nguyễn Hồng Loan, Nguyễn Hà Ly, Nguyễn Ngọc Linh (lớp K11TTĐPTB) đã xuất sắc đạt giải nhất trong nhóm đề tài thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin và báo chí truyền thông. Dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, nhóm đã thực hiện khảo sát và phân tích quá trình tiếp nhận yếu tố văn hóa truyền thống trong một sản phẩm giải trí hiện đại – từ đó đưa ra những kiến nghị hữu ích cho nhà sản xuất truyền hình và truyền thông văn hóa.

Tại Hội nghị, sinh viên Nguyễn Hồng Loan, trưởng nhóm nghiên cứu, cũng được đại diện cho 72 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Học viện bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Giám đốc Học viện, Phòng Hợp tác Quốc tế và Quản lý Khoa học cùng 32 giảng viên hướng dẫn – những người đã tận tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận và thực hiện nghiên cứu một cách khoa học: Quá trình thực hiện đề tài đã giúp chúng em nhận ra rằng nghiên cứu khoa học không hề xa vời mà có thể bắt đầu từ những vấn đề gần gũi, thiết thực trong cuộc sống. Đây thực sự là cầu nối quan trọng giữa kiến thức lý thuyết và ứng dụng thực tiễn. Dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, chúng em đã học được cách tư duy phản biện, làm việc nhóm hiệu quả, kiên trì theo đuổi mục tiêu và biết cách đặt vấn đề khoa học. Giải thưởng ngày hôm nay chính là nguồn động lực để chúng em tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển đam mê nghiên cứu trong những chặng đường học tập tiếp theo”.

                   Nhóm sinh viên đạt giải Nhất chung vui cùng gia đình và giảng viên hướng dẫn

Ngoài ra, đề tài Hiệu quả thẩm mỹ của bộ sản phẩm thiết kế bao bì trong chiến dịch tái định vị thương hiệu của Vinamilk của nhóm sinh viên Nguyễn Phương Trà và Vũ Minh Thư (lớp K10TTĐPTA), dưới sự hướng dẫn của TS. Phạm Văn Tuyến đã đạt giải Ba. Với định hướng ứng dụng rõ rệt, nhóm nghiên cứu đã kết hợp lý thuyết thiết kế bao bì hiện đại với việc khảo sát thị hiếu người tiêu dùng, từ đó đưa ra những nguyên tắc tối ưu hóa thẩm mỹ trong truyền thông thương hiệu.

Ba giải Khuyến khích thuộc về các đề tài giàu tính thời sự và ý nghĩa xã hội gồm:

  1. Truyền thông phòng chống bạo hành trẻ em qua video trên báo mạng điện tử (Khảo sát tại báo Thanh niên online, Tuổi trẻ online) – nhóm tác giả Hoàng Thị Hồng, Lữ Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Lý, lớp K11TTĐPTC, do ThS. Lê Thị Minh Huyền hướng dẫn.
  2. Thực trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí trên mạng xã hội Facebook tại Việt Nam – nhóm Phạm Nguyễn Cẩm Tú (K10TTĐPTA) và Phạm Bùi Như Quỳnh (K10LKTA), do TS. Lại Thị Hải Bình hướng dẫn.
  3. Tác động từ trào lưu trên TikTok đối với sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam – nhóm Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Huyền Trang, Nguyễn Ngọc Thu, lớp K10TTĐPTA, được hướng dẫn bởi ThS. Hoàng Hà My.

Các đề tài đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của sinh viên đến những vấn đề truyền thông nổi bật, đồng thời khẳng định khả năng tiếp cận các hiện tượng xã hội một cách nhạy bén và trách nhiệm.

Đánh giá về hoạt động NCKHSV năm học 2024 – 2025 ngành Truyền thông đa phương tiện, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng khoa TTĐPT, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cấp Khoa chia sẻ: Khoa TTĐPT đánh giá cao tinh thần hăng say, sáng tạo và cầu thị mà sinh viên đã thể hiện qua số lượng và chất lượng các đề tài NCKH cấp Học viện năm nay. Nhiều nhóm nghiên cứu đã biết cách lựa chọn vấn đề thời sự, sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, hiệu quả và đạt được kết quả khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Truyền thông đa phương tiện đang ngày càng vững mạnh, sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao học thuật và trí tuệ trong tương lai”.

Hội nghị năm nay không chỉ là nơi trình bày kết quả nghiên cứu mà còn là diễn đàn học thuật cởi mở, nơi sinh viên được giao lưu, học hỏi và khẳng định bản thân trong môi trường khoa học. Thành công nổi bật của sinh viên Khoa Truyền thông Đa phương tiện là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển toàn diện giữa học thuật, tư duy phản biện và năng lực thực tiễn – những yếu tố cốt lõi trong đào tạo truyền thông hiện đại.