Ngay từ sáng sớm, không khí đã trở nên rộn ràng tại khuôn viên trường khi các sinh viên tập trung chuẩn bị cho chuyến đi. Đối với sinh viên năm nhất, đây là lần đầu tiên các em được tiếp cận trực tiếp với những tư liệu, hiện vật gắn liền với hành trình phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng và ngành truyền thông nói chung – lĩnh vực mà sinh viên đang học tập và theo đuổi.
Giảng viên và sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Bảo tàng Báo chí Việt Nam tọa lạc tại số lô E2 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội, là nơi lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật, hình ảnh và tài liệu quý giá về báo chí Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Ngay khi bước chân vào không gian triển lãm, sinh viên đã bị cuốn hút bởi cách sắp đặt khoa học và sinh động. Các hiện vật được trình bày theo dòng thời gian, từ những bản tin đầu tiên như tờ Gia Định Báo, tờ Thanh niên của Nguyễn Ái Quốc, đến các tờ báo kháng chiến, báo chí thời kỳ đổi mới và báo điện tử trong thời đại số.
Bạn Trần Khánh Linh (lớp K12TTĐPTB) chia sẻ: “Em rất ấn tượng với khu vực tái hiện lại phòng làm việc của các phóng viên thời chiến. Từ chiếc máy chữ, máy quay thô sơ đến những tờ báo in tay… tất cả đều khiến em cảm nhận được tinh thần quả cảm của những người làm báo trong bom đạn chiến tranh.”
Sinh viên hào hứng tham quan các hiện vật báo chí được trưng bày
Không chỉ dừng lại ở việc tham quan, sinh viên còn được trải nghiệm thực hành truyền thông qua các hoạt động tương tác như: thử đọc bản tin trước ống kính máy quay, tham gia dàn trang một tờ báo giấy, hoặc sử dụng công nghệ AR để xem lại những sự kiện báo chí nổi bật… Những trải nghiệm này đã giúp sinh viên hiểu hơn về quy trình làm báo và sự tích hợp giữa công nghệ với nội dung trong báo chí truyền thông hiện đại.
Sinh viên hào hứng trải nghiệm tại bảo tàng
Trong suốt quá trình tham quan bảo tàng, hướng dẫn viên, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền đã chia sẻ ngắn gọn nhưng sâu sắc về sự hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của báo chí cách mạng như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Qua đó, sinh viên có cơ hội đặt câu hỏi, bày tỏ quan điểm cũng như chia sẻ những cảm xúc riêng sau buổi tham quan.
Sinh viên chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên TS. Nguyễn Thị Thu Hiền giới thiệu
Cô Lê Thị Minh Huyền – giảng viên học phần – bày tỏ: “Chuyến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam là cơ hội để sinh viên ngành Truyền thông kết nối giữa kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Qua việc trực tiếp quan sát các tư liệu, hiện vật và câu chuyện lịch sử, sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò, sứ mệnh của báo chí truyền thông trong từng giai đoạn. Từ đó, các em nuôi dưỡng niềm tự hào, trách nhiệm nghề nghiệp và định hình bản lĩnh làm nghề trong tương lai”.
Trở về sau chuyến đi, nhiều sinh viên cho biết họ đã có một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về ngành học của mình. Bạn Nguyễn Thị Thuyết (lớp K12TTĐPTD) cho biết: “Trước đây em nghĩ báo chí truyền thông chỉ là viết bài và làm tin, nhưng sau chuyến tham quan, em hiểu được cả một quá trình từ thu thập thông tin, xử lý, thiết kế, biên tập, sản xuất hình ảnh, âm thanh đến phát hành. Mỗi công đoạn đều có sự cống hiến và lao động trí tuệ rất lớn. Đặc biệt, em ý thức hơn về vai trò của những người làm báo, sử dụng trí tuệ và ngòi bút để cống hiến cho cộng đồng xã hội“
Chuyến đi kết thúc vào chiều cùng ngày nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại qua những bức ảnh kỷ niệm, những video hậu trường và cả những bài viết phản hồi được đăng tải trên trang truyền thông của cá nhân sinh viên cung như trên trang của bảo tàng Báo chí. Với nhiều sinh viên, đây là lần đầu tiên họ được “sống trong hơi thở báo chí” một cách rõ nét và truyền cảm hứng sâu sắc.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ ký ức nghề báo mà còn là không gian giáo dục, trải nghiệm và truyền lửa cho thế hệ truyền thông trẻ. Thông qua chuyến tham quan, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện K12 đã có được những bài học quý giá – không chỉ về lịch sử, mà còn về đam mê, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp trong một thế giới truyền thông đang không ngừng chuyển động.