Ngày 19 tháng 11 năm 1997, Việt Nam chính thức hòa mạng internet toàn cầu. Sau hơn hai thập kỉ hòa nhập, Internet ở Việt Nam đã tạo ra một phương thức truyền thông mới với tên gọi Truyền thông đa phương tiện. Sự hấp dẫn và tính đa dạng của ngành Truyền thông đa phương tiện đã thách thức lĩnh vực truyền thông đại chúng mang tính truyền thống thụ động, mở ra cơ hội lớn về cơ hội việc làm. Ngày nay, với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ và được internet vạn vật, không chỉ những người được đào tạo chuyên nghiệp mà thậm chí những người chưa bao giờ học về truyền thông và công nghệ thông tin cũng có thể tham gia thị trường lao động liên quan đến truyền thông đa phương tiện. Nhìn rộng hơn chúng ta thấy định hướng giáo dục công dân thời đại số đã được triển khai đào tạo về truyền thông ngay trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Rõ ràng điều kiện về trang thiết bị công nghệ đã phủ đến tận các ngõ ngách, làng quê. Theo đó, nhu cầu và trình độ sử dụng và thụ hưởng sản phẩm truyền thông của công chúng thời đại ngày càng được nâng cao đã trở thành động lực và cả thách thức lớn cho đội ngũ làm truyền thông đa phương tiện.

Ở một góc tiếp cận hẹp, bài viết đề cập đến thị trường lao động và cơ hội việc làm của những người làm trong ngành truyền thông đa phương tiện với những câu hỏi đơn giản: đặc điểm và sự phát triển của ngành truyền thông đa phương tiện nên được nhìn nhận như thế nào? Cơ hội và thách thức sẽ lớn đến đâu?

Vài đặc điểm của truyền thông đa phương tiện

Truyền thông đa phương tiện (multimedia/ multimedia communication) đã trở thành thuật ngữ quen thuộc trong xã hội hiện đại. Phương thức truyền thông này có đặc thù rõ nét nhất là khả năng tiếp nhận và tương tác của người dùng. Truyền thông đa phương tiện mang tính ứng dụng cao nhờ sự kết hợp đa ngành báo chí, công nghệ, tiếp thị, nghệ thuật để sáng tạo và thiết kế sản phẩm mang tính đa phương tiện và khả năng tương tác đa dạng. Vì thể sản phẩm có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, giải trí…

Đa phương tiện cũng có nghĩa là sự kết hợp của các dạng sản phẩm được sản xuất, sáng tạo trên máy tính. Đó là sự kết hợp các văn bản, đồ họa, âm thanh, hình ảnh động, video mà người dùng, người xem có thể kiểm soát, tương tác mọi lúc, mọi nơi. Một cấu trúc liên kết các thành phần trong một dự án như vậy trên nền các phương tiện, thiết bị và giao thức kết nối đa phương tiện tạo thành một dạng siêu phương tiện.

Sản phẩm đa phương tiện do sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam  thiết kế

Ngày nay, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc sử dụng sản phẩm, dự án của truyền thông đa phương tiện không bị giới hạn về mặt không gian và thời gian. Người sáng tạo nội dung có thể sản xuất và xuất bản ở mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, người xem, người dùng sản phẩm cũng có thể xem và tương tác trong mọi thời điểm và vị trí với thiết bị di động.

Sự phát triển mạnh mẽ của Truyền thông đa phương tiện ở Việt Nam

Internet là con đường nhanh nhất truyền tải sản phẩm truyền thông đến với công chúng toàn cầu, vì thế nó là nền tảng quyết định đến lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Theo đó, chỉ số người dùng internet trở thành một trong những tiêu chí đánh giá cơ hội phát triển của ngành truyền thông đa phương tiện. Theo số liệu nghiên cứu của Datareportal và Wearesocial công bố vào tháng 1 năm 2024, có 78,44 triệu người dùng internet tại Việt Nam với tỷ lệ truy cập là 79,1%. Một số liệu nữa từ GSMA Intelligence chỉ ra rằng, đầu năm 2024 có đến 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam, tương đương với 169,8% tổng dân số nước ta.[1]. Các con số trên nói lên rằng dữ liệu người dùng thiết bị công nghệ ở mức cao đồng nghĩa với đối tượng sử dụng dịch vụ và sản phẩm của truyền thông đa phương tiện rất rộng. Đây là cơ hội đặc biệt lớn cho ngành truyền thông đa phương tiện.

Năm 2019 đại dịch Covid-19 đã chứng minh về sự phát triển đặc biệt mạnh mẽ của các dịch vụ giao tiếp trực tuyến. Từ việc thiết lập các thỏa thuận về chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục cho đến các dịch vụ bán hàng từ xa đã định nghĩa lại cấu trúc giao tiếp xã hội. Đây cũng là thời điểm ăn nên, làm ra của giới công nghệ và các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng internet. Sau đại dịch Covid-19, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ hữu ích trên lĩnh vực khoa học mà một lần nữa được chứng tỏ sự đóng góp lớn với đời sống cộng đồng, trong đó không thể không nói đến ưu thế của sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên nền tảng mạng xã hội.

Ở một góc độ khác, sách, báo in có thể đang bị mất độc giả bới tính cạnh tranh mạnh mẽ của sách, báo điện tử. Trên thực tế, sách điện tử với tư cách là sản phẩm của truyền thông đa phương tiện sẽ không phải là các trang ảnh chết mà nó có khả năng tương tác với người dùng đến mức có thể giao tiếp đàm thoại ở hình thức “face to face” trên màn hình. Đây là một khoảng trống lớn đang tồn tại ở Việt Nam, cần được giải quyết bằng công cụ và sản phẩm truyền thông đa phương tiện.

Tại Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018[1], giáo dục nghệ thuật đã phổ cập đến bậc Trung học phổ thông, trong đó học sinh được học về thiết kế nói chung và truyền thông đa phương tiện. Nội dung giáo dục này được kỳ vọng sẽ hình thành tầng lớp công chúng hiểu biết về truyền thông đa phương tiện cũng như nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực xã hội trong lĩnh vực thẩm mĩ nói chung. Rõ ràng, vấn đề phát triển lĩnh vực truyền thông đa phương tiện không chỉ dựa trên điều kiện cần về nền tảng công nghệ và internet mà đã đi vào chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Cơ hội việc làm và thách thức của ngành truyền thông đa phương tiện

Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện – Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia trải nghiệm thực tế tại Đài Tiếng nói Việt Nam

Với những nội dung đã bàn luận trên, có thể thấy, ngành truyền thông đa phương tiện có rất nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao, bao gồm các tổ chức quốc tế, liên chính phủ, các đơn vị công lập và các tập đoàn, công ty ngoài công lập được tạm chia các nhóm vị trí việc làm sau đây:

Thứ nhất, làm chuyên viên thiết kế đồ họa, thiết kế và sản xuất phim quảng cáo, kỹ thuật âm thanh và hình ảnh, thiết kế trò chơi điện tử, quảng cáo, quan hệ công chúng, quản trị truyền thông, quản trị website, tổ chức sự kiện.

Thứ hai, làm cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, sản xuất chương trình, dẫn chương trình tại các cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực truyền hình, báo chí – truyền thông.

Thứ ba, làm cán bộ phụ trách, quản lý truyền thông trong các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức xã hội khác.

Thứ tư, trở thành nhà khởi nghiệp và làm chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thông đa phương tiện.

Thứ năm, trở thành nhà khoa học nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực truyền thông tại các Viện và Trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp như trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề…

Cơ hội là vậy, song để đáp ứng được một trong những vị trí việc làm nói trên, người làm truyền thông đa phương tiện phải hội tụ những phẩm chất có tính quyết định. Ngoài những kiến thức chuyên môn theo từng lĩnh vực, năng lực ngoại ngữ và tin học, các nhà truyền thông đa phương tiện cần phải là người có những đặc điểm như: khả năng lãnh đạo, quản lý dự án, khả năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, năng lực sáng tạo, sự nhanh nhạy và khả năng nắm bắt vấn đề mới…

Với những đặc điểm phát triển ngành truyền thông đa phương tiện đã trình bày ở trên cùng một số quan điểm về cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực sáng tạo sản phẩm truyền thông đa phương tiện, chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội lớn cùng với thách thức mang tính thời đại dành cho những người theo đuổi ngành truyền thông đa phương tiện. Suy cho cùng, thách thức đó dành cho tất cả những ai muốn thành công trong thời đại công nghệ 4.0. Trong đó, bao gồm một vài tiêu chuẩn công dân toàn cầu sau đây: quyền lực lớn đi kèm với trách nhiệm lớn; biết điểm mạnh và yếu của đồng đội để phối hợp tốt công việc; dám nghĩ lớn và không sợ khó khăn; khao khát được mở mang đầu óc và những trải nghiệm mới mẻ; chấp nhận sự khác biệt. Đồng thời, công dân toàn cầu phải mang bản sắc riêng nhưng sống với lợi ích chung của cộng đồng.

——————————————

[1] Nguồn: vecom.vn

[2] Thông tư 32-2018/TT/BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông môn Mĩ thuật