Đại biểu khách mời của buổi nói chuyện là các chuyên gia đồng thời là nhà quản lý cơ quan truyền thông: Ông Nguyễn Văn Hưng – Phụ trách điều hành 5G Network, Trưởng phòng Nội dung số, Công ty CP Truyền thông đa phương tiện (ĐPT) Cuộc sống số. Ông Tô Quang Định – Đồng sáng lập; Chuyên gia Colorist, Công ty Metis Production. Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam có TS. Lại Thị Hải Bình, Phó trưởng khoa Truyền thông Đa phương tiện, đại diện các đơn vị thuộc học viện và đông đảo sinh viên khoa Truyền thông Đa phương tiện cùng tham dự buổi nói chuyện.
Khách mời trong buổi nói chuyện là các chuyên gia đồng thời là nhà quản lý cơ quan truyền thông.
Phát biểu chào mừng các đại biểu đến tham dự buổi nói chuyện, TS. Lại Thị Hải Bình đã nhấn mạnh vai trò của thiết kế đồ họa và các yếu tố khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong truyền thông đa phương tiện hiện nay. Đồng thời đề cao những kinh nghiệm thực tiễn mà các nhà truyền thông chia sẻ với sinh viên. Đó là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, không thể thiếu trong quá trình đào tạo truyền thông hiện đại.
Tại buổi nói chuyện, các chuyên gia đã tập trung làm rõ vai trò của thiết kế đồ họa trong truyền thông đa phương tiện. Đặc biệt là phân biệt hai khái niệm: Thiết kế đồ họa và thiết kế mỹ thuật đa phương tiện. Thông qua đó, các bạn sinh viên đã có cái nhìn cụ thể và bao quát hơn về 2 khái niệm này.
Nếu thiết kế đồ hoạ là việc sử dụng các phần mềm xử lý ảnh, vẽ vector, dàn trang, dựa trên nền tảng mỹ thuật của người làm thiết kế và nhu cầu cụ thể của khách hàng, để tạo ra các files kỹ thuật số, dùng để in trên các bề mặt phẳng như sách, báo, tạp chí, các chất liệu ngoài trời thì Multimedia Design (Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện) là lĩnh vực bao trùm, rộng hơn. Dựa trên nền tảng là Thiết kế đồ hoạ, trong đó các sản phẩm quảng cáo, truyền thông, giải trí kỹ thuật số được làm bằng những phần mềm chuyên biệt thể hiện qua các định dạng khác như đồ hoạ động, video, âm thanh, text, hoạt hình, có thể là tích hợp 2 hay nhiều định dạng này với nhau, có tính tương tác cao, để phát và truyển tải đến người dùng qua các kênh như internet, truyền hình, TV, máy tính…
Các bạn sinh viên tham gia trao đổi tại buổi nói chuyện
Đối với nội dung thứ 2 của buổi nói chuyện chuyên đề: Những tố chất cần có của nhà quản lý truyền thông, bằng kinh nghiệm quản lý của mình, các chuyên gia đã chỉ ra một số tố chất cần có của người làm truyền thông như: Hiểu được khán giả, đối tượng mục tiêu của mình, nắm bắt được nhu cầu của họ thông qua những biểu hiện bên ngoài và thông qua sự cảm nhận; Luôn tự đánh giá bản thân, rà soát rút kinh nghiệm từ chính sản phẩm của mình để có được sản phầm tốt hơn; Đặc biệt người làm truyền thông phải biết cổ vũ, động viên kêu gọi hành động, khơi gợi cảm hứng, kích thích hành động, hướng khán giả đến điều mình muốn…
Cùng trao đổi với chuyên gia, các bạn sinh viên đã thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao với ngành nghề mà các em đang theo học. Các ý kiến trao đổi đã tập trung vào một số nội dung rất thiết thực như: Làm sao để không rơi vào trạng thái bằng lòng với sản phẩm của chính mình? Có khi nào người làm truyền thông đọc sai ý tưởng và nhu cầu của khách hàng? Cách để khắc phục điều đó? Mức thu nhập của nghề so với mức thu nhập bình quân của xã hội…
Các đại biểu tham dự buổi nói chuyện chuyên đề
Các đại biểu tham dự buổi nói chuyện đều đánh giá cao hiệu quả và tính thực tiễn của những vấn đề được đặt ra. Đối với các đại biểu là sinh viên đã có cái nhìn tương đối toàn diện và thực tế về ngành mà mình đang theo học để từ đó có những định hướng cụ thể, tích cực cho mình