Nghiên cứu khoa học giúp giảng viên mở rộng, tư duy sâu kiến thức của mình và vận dụng những kiến thức lý luận, thực tiễn ấy vào trong công tác giảng dạy, hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên. Đồng thời nghiên cứu khoa học còn giúp giảng viên được trau dồi và rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, năng lực phân tích, phát hiện và chiếm lĩnh tri thức.

        Thực hiện Chiến lược phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn tới năm 2030, Học viện đã ban hành Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025, trong đó, định hướng nghiên cứu chính của giảng viên Truyền thông đa phương tiện được xác định: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của truyền thông; Nghiên cứu phát triển các ấn phẩm truyền thông; Nghiên cứu ứng dụng các thiết kế đồ họa đa phương tiện trong các sản phẩm truyền thông; Nghiên cứu truyền thông trên các ứng dụng và nền tảng mạng xã hội.

Với đội ngũ giảng viên cơ hữu là 14 người, gồm 01 PGS, 04 tiến sỹ và 7 thạc sỹ, trong những năm qua, giảng viên khoa Truyền thông đa phương tiện đã nhận thức rất rõ về vai trò, ý nghĩa của NCKH giảng viên, từ đó không ngừng rèn luyện tư duy và phương pháp khoa học, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu và công bố sản phẩm, công trình. Các hoạt động và sản phẩm khoa học được thực hiện gồm nhiều loại: 1) đề tài NCKH các cấp, 2) xuất bản sách chuyên khảo, sách tham khảo, giáo trình, tập bài giảng, kỉ yếu hội thảo có chỉ số ISBN; bài báo công bố trên các tạp chí khoa học có chỉ số ISSN quốc tế và trong nước; 3) hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài NCKH và công bố bài trên tạp chí khoa học; 4) tổ chức hội thảo khoa học cấp Quốc gia, cấp Học viện về ngành truyền thông đa phương tiện, về PPNC truyền thông…

Hội thảo KHQG “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”

Bảo vệ thuyết minh và nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Hiệu ứng đám đông trên truyền thông xã hội”

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác NCKH giảng viên Khoa Truyền thông đa phương tiện trong thời gian tới, một số giải pháp được ban lãnh đạo Khoa xác định, bao gồm:

  1. Mỗi giảng viên xác định rõ định hướng nghiên cứu chính, tập trung thực hiện các công trình NCKH và công bố, xuất bản theo hướng đã xác định;
  2. Nâng cao năng lực NCKH cho giảng viên và sinh viên của Khoa; nâng cao năng lực công bố quốc tế; tăng số lượng công bố trên Tạp chí khoa học, hội thảo khoa học trong nước.
  3. Phối hợp với cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trong và ngoài Học viện, các đối tác của Khoa để cùng thực hiện các đề tài NCKH và các công bố, xuất bản;
  4. Tích cực hướng dẫn sinh viên NCKH;
  5. Khai thác các nguồn lực từ bên ngoài Học viện cho NCKH của Khoa. 

TS.Nguyễn Thị Hằng